Tình hình kinh tế Hàn Quốc năm 2017 và dự báo triển vọng kinh tế năm 2018
16/01/2018

1. Những điểm nổi bật về kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2017

Hàn Quốc được xếp hạng thứ 4 trong số 190 quốc gia theo Chỉ số kinh doanh dễ dàng tiếp cận của Ngân hàng Thế giới (World Bank’s Ease of Doing Business Index), tăng một bậc so với năm trước và đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Mặc dù lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và lâm ngư nghiệp giảm 6,5% so với quý trước do sản lượng thịt bò và rau giảm song các lĩnh vực khác đều tăng như: sản xuất công nghiệp tăng 2,7%, đầu tư xây dựng tăng 1,3%, đầu tư trang thiết bị tăng 0,5%, dịch vụ tăng 0,9% …là những nhân tố chính thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng cao trong năm 2017.

Về xuất khẩu trong năm 2017 đạt 573,9 tỷ USD, tăng 15,6 % so với năm ngoái, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm 3,6% thị trường thế giới. Thứ hạng về kim ngạch xuất khẩu cũng tăng hai bậc so với năm 2016, từ vị trí thứ tám lên vị trí thứ sáu.

Trong số 13 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, có đến chín mặt hàng tăng xuất khẩu trong năm qua như chíp bán dẫn và máy móc. Trong đó, xuất khẩu chíp bán dẫn trong năm 2017 đạt 97,94 tỷ USD. Đây cũng là mức cao nhất về kim ngạch xuất khẩu theo năm với riêng một sản phẩm.

Về nhập khẩu, kim ngạch của Hàn Quốc năm 2017 đạt 478,1 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2016. Do đó, cán cân thương mại Hàn Quốc năm 2017 đạt 95,8 tỷ USD, tiến gần hơn đến mốc 100 tỷ USD.

Chỉ số tiêu dùng của Hàn Quốc tăng 0,7%, chủ yếu do chi tiêu cho dịch vụ và hàng hóa tiêu dùng. Nền kinh tế Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, do còn nhiều yếu tố bất định của kinh tế thế giới cũng như phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu khiến nền kinh tế Hàn Quốc phát triển thiếu bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Hàn Quốc cần tái cấu trúc để tránh bị tổn thương trước các cú sốc từ các điều kiện thương mại ngày càng xấu đi, như giá các sản phẩm bán dẫn giảm, giá dầu tăng cao và những bất trắc phát sinh từ chính sách và các yếu tố địa chính trị của các nước lớn.

2. Chính sách vĩ mô và sự thay đổi cơ chế, chính sách kinh tế thương mại của Hàn Quốc

Ngay sau khi nhậm chức tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae In đã đưa ra phương hướng chính sách kinh tế mới. Theo đó, mô hình kinh tế của Hàn Quốc sẽ có phương châm “nền kinh tế đặt trọng tâm vào con người” và “tăng trưởng kinh tế lấy thu nhập làm chủ đạo”.

Chính phủ Hàn Quốc hy vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực công, hỗ trợ tốt hơn cho tầng lớp yếu thế trong xã hội như những hộ gia đình có thu nhập thấp. Theo đó, phương án hồi phục nền kinh tế mà Tổng thống Moon Jae-in đưa ra có trọng tâm là tạo ra việc làm mới đảm bảo về cả chất và lượng, qua đó nâng cao thu nhập của người dân, vực dậy nền kinh tế nhờ kích thích thị trường trong nước. Đây là phương án được đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu tăng nhưng không kéo theo được sự gia tăng về tuyển dụng trong thời gian gần đây. 

Cụ thể, Chính phủ sẽ tập trung vào vấn đề tạo việc làm, đưa thu nhập đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới một nền kinh tế công bằng, tăng trưởng và đổi mới. Khái niệm nền kinh tế công bằng như một chính sách của Ủy ban thương mại công bằng để xóa bỏ những quy định bất thường hay những thông lệ bất công giữa các tập đoàn lớn, nhóm người có quyền lực và giới thầu phụ, tiểu thương. Chính phủ cũng đã đề cập đến bài toán tăng trưởng kinh tế đổi mới sáng tạo để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như cách thức giải quyết vấn đề này thông qua chuyển dịch mô hình kinh tế, hướng sự đầu tư tập trung vào các tập đoàn lớn sang những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

3. Dự báo triển vọng kinh tế năm 2018

Tháng 7/2017, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc đã đưa ra dự báo nền kinh tế nước này trong năm 2018 có thể tăng trưởng 3%. Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng trong khoảng từ 2,3-2,7% trong năm 2018, giảm nhẹ so với mức dự báo trước đó. Nguyên nhân được cho là do sự bất ổn của thị trường, cũng như khả năng Hoa Kỳ tăng lãi suất ngân hàng, cùng với những chuyển biến trong quá trình tái đàm phán Hiệp định FTA Hàn Quốc – Hoa Kỳ.

Tiêu dùng nội địa dự kiến sẽ giảm trong năm 2018 do Chính phủ áp dụng nhiều giải pháp kiểm soát thị trường bất động sản và giá tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu có xu hương tăng. Trong chiều ngược lại, các ngành sản xuất thép và thiết bị điện tử dự kiến tiếp tục được hưởng lợi do nhu cầu trong các lĩnh vực này đang tăng cao. Lạm phát dự kiến sẽ ở mức gần 2%, trong khi thặng dư tài khoản vãng lai sẽ lên tới 6% GDP.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã công bố kế hoạch tăng lương tối thiểu dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm tới nên dự kiến các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn khi chi phí nhân công tăng cao (Mức lương tối thiểu theo giờ sẽ là 7,530 won vào năm 2018, và sẽ đạt 10.000 won vào năm 2020 theo sáng kiến lương tối thiểu của chính quyền).

Với những thách thức và cơ hội nêu trên, nền kinh tế Hàn Quốc được dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018 ở mức 2,6%.
 

Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc